Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP HCM cho biết, chiến tranh Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng chưa từng có tiền lệ và vượt xa mốc dự đoán của các doanh nghiệp. Với mức này, các doanh nghiệp nhập khẩu đang bị thua lỗ.
"Hiện, chênh lệch giá xăng dầu trong 10 ngày qua ở mức trên 20%, nên kỳ điều hành mới, giá xăng có thể tăng sốc ở mức 1.800-2.400 đồng một lít", lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối ở TP HCM nói.
Giá xăng đang ở mức cao nhất từ trước tới nay khi mỗi lít xăng là 26.830 đồng (với RON 95) và 26.070 (với E5 RON92).
Theo vị này, giá dầu tăng "thẳng đứng" đang khiến doanh nghiệp lao đao. Ông kỳ vọng thuế bảo vệ môi trường được điều chỉnh ở mức giá mới để hạ nhiệt giá xăng dầu.
Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, ngày mai giá xăng thậm chí có thể tăng trên 3.000 đồng một lít. Nếu vừa sử dụng quỹ, vừa cho giảm thuế môi trường, giá xăng có thể chỉ tăng 900-1.000 đồng. Đây cũng sẽ là lần tăng giá thứ bảy liên tiếp và lần thứ sáu liên tục từ đầu năm.
Theo các đầu mối nhập khẩu xăng dầu và cửa hàng bán lẻ, họ đang lỗ khoảng 2.000-4.000 đồng một lít và có nguy cơ lỗ nặng hơn nữa nếu giá dầu liên tục leo thang.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 1/4 đến hết năm 2022, với mức giảm 500 đồng đến 1.000 đồng so với mức kịch khung đang áp dụng. Song, hầu hết các doanh nghiệp, chuyên gia đều cho rằng, mức giảm trên quá ít ỏi so với sức tăng "sốc" của giá dầu trong tuần qua. Bộ Công Thương và VCCI đề xuất nên giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng và 1.000 đồng với dầu.
Ngày 1/3, mỗi lít xăng E5 RON 92 là 26.070 đồng (tăng 540 đồng); RON 95 là 26.830 đồng (tăng 550 đồng). Dầu hoả là 19.970 đồng một lít, tăng 470 đồng. Dầu diesel là 21.310 đồng một lít, tăng 510 đồng. Dầu madut là 18.460 đồng một kg, tăng 530 đồng.